Những điều dối trá trong sách
“Bên thắng cuộc” của Huy Đức

TRẦN HỮU PHƯỚC
LTS. Trước đây, trong vị trí công tác của mình, tác giả Trần Hữu Phước là người có điều kiện tiếp cận với các nhà Lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta – những vị mà nhà báo Huy Đức (năm 1975 chỉ mới là cậu thiếu nhi!) trong sách Bên thắng cuộc có khoác lác rằng: “đã được quan sát từ một cự ly rất gần” hoặc đã được gặp “bên cạnh tách trà, chén rượu…”
Bài viết của tác giả Trần Hữu Phước chia làm 4 phần. Trong số này, chúng tôi đăng phần 1 và 2. Mời các bạn đón đọc phần 3 và 4 ở số sau để xem cái “anh” nhà báo “cấp tiến” Huy Đức này “nổ” đến mức nào!

Phần 1
Huy Đức – nguyên phóng viên báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Sài Gòn Tiếp thị đang ở nước ngoài, đã cho xuất bản hai cuốn sách cóp nhặt chắp vá tư liệu và dựng chuyện một cách xô bồ nhằm công kích những người mà anh ta gọi là “bên thắng cuộc”.
Với thủ đoạn gạt gẫm bạn đọc bằng cách tự phô trương mình là nhà báo đã đột nhập được vào chốn thâm cung để khai thác những trang bí sử của cơ quan “quyền bính” trong thời hậu chiến ở Việt Nam. Nhằm làm tăng thêm tính chất giật gân cho việc quảng cáo sách để câu khách và để hù những người nhẹ dạ, Huy Đức đã tung ra cả một danh sách dài dằng dặc khó có thể ai tin được về “những nhân vật có thế lực” mà anh ta đã gặp. Trong số đó có tới 4 Tổng Bí thư của Đảng, 2 Chủ tịch nước, 3 Chủ tịch Quốc hội, 2 Thủ tướng Chính phủ, 5 Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Trung ương Đảng, 8 Phó Thủ tướng, 15 Bộ trưởng, 3 Đại tướng, 1 Thượng tướng, 24 Trợ lý – Thư ký của 6 Tổng Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ. Ấy vậy, cảm thấy chưa mãn nguyện, Huy Đức còn khoe thêm rằng mình “có nhiều cơ hội trao đổi đủ loại thông tin với các nhà lãnh đạo cả khi bên tách trà và không ít khi bên chén rượu”. Những điều viết trong sách, theo Huy Đức, “đã được quan sát từ một cự ly rất gần” trải qua “hơn 20 năm thu thập tư liệu”. Liệu có thật như thế không?
Sau khi đọc sách Huy Đức, 5 ký giả lão thành có uy tín ở Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, những người đã hiểu rành rọt về Huy Đức ngay từ những ngày đầu chập chững bước chân vô làng báo, đều quả quyết rằng: “Một người đã từng bị chệch choạc về quan điểm chính trị như Huy Đức, làm sao lại có thể dễ dàng qua mặt Ban Bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương và Cục Cảnh vệ Bộ Công an để vào ra luông tuồng trong các cơ quan lãnh đạo đầu não của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Quân đội”.
Tôi cũng nghĩ như vậy. Nếu tự xưng rằng mình đã đầu tư thời gian tới hơn “20 năm đi tìm tư liệu và có nhiều cơ hội trao đổi đủ loại thông tin với các nhà lãnh đạo”, thế thì tại sao nhiều chỗ trong sách của mình, Huy Đức đã viết sai bét ngay cả việc đơn giản nhất về chức danh những người lãnh đạo mà mình khoe đã được gặp “bên cạnh tách trà, chén rượu” như: “Bí thư Trung ương Đảng Phan Minh Tánh”, “Ủy viên thường vụ Trung ương Cục Nguyễn Văn Trân”…
Như độc giả đã biết, tại thành phố này cũng như ở những địa phương khác, không ít người từng hiểu rõ đồng chí Phan Minh Tánh nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh rồi sau đó giữ chức vụ Trưởng ban Dân vận Trung ương. Đồng chí ấy chẳng bao giờ làm Bí thư Trung ương Đảng. Và trong danh sách thành viên Trung ương Cục miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ từ năm 1961 đến tháng 9-1975 đã được Trung ương thông qua để khắc tên vinh danh trên bia đá ở vùng căn cứ Mã Đà cũng như tại chiến khu Bắc Tây Ninh, chẳng có ai trông thấy tên đồng chí Ủy viên thường vụ Trung ương Cục nào là Nguyễn Văn Trân mà Huy Đức khoe là đã từng được gặp. Thật ra, đồng chí Nguyễn Văn Trân được cử vào Ban Đại diện của Đảng và Chính phủ ở miền Nam được thành lập sau ngày đất nước thống nhất. Ban này do đồng chí Phạm Hùng làm Trưởng ban, đồng chí Lê Đức Thọ làm Phó ban.
Do hời hợt trong việc nghiên cứu lịch sử cũng như do định kiến lệch lạc về chính trị, Huy Đức đã phạm phải sai lầm thô bạo trong việc bêu riếu các cơ quan lãnh đạo đầu não của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Huy Đức viết: “Trong chiến tranh, lán của Mặt trận và Chính phủ lâm thời luôn luôn nằm bên cạnh bản doanh của Trung ương Cục”. Làm gì có chuyện đó.
Hàng chục năm qua, đã có biết bao du khách trong và ngoài nước đến thăm vùng “đất thánh cách mạng” ở huyện Tân Biên – Tây Ninh, đều thấy rõ từ trong thập niên 60 của thế kỷ trước, ở đây đã được thiết lập 3 khu căn cứ riêng biệt; căn cứ Trung ương Cục miền Nam ở xung quanh vùng Chàng Riệc, căn cứ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thiết lập tại Suối Chò và căn cứ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam xây dựng trong trảng A Lân. Nhà cửa, công sự, hầm hào, đường đi lối lại trong nội bộ, bếp lò Hoàng Cầm cũng như những nơi sinh hoạt hội họp… đều được đơn vị chuyên trách của anh Mười Ga (Trần Văn Ga) xây dựng gần như theo nguyên mẫu, cùng một kích thước và kiểu dáng.
Trong sách của mình, Huy Đức còn đặt điều nói xấu Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chỉ là một tổ chức hữu danh vô thực. Anh ta viết: “Hầu hết những thành viên trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng đều là đảng viên cộng sản”, “các quan chức của Chính phủ lâm thời, kể cả Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát cũng chủ yếu giết thời gian bằng cách đánh cờ hoặc chơi bài tiến lên”.
Viết như vậy là dối trá. Chúng ta đều biết, những thành viên trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời đều là những nhân sĩ trí thức thuộc tầng lớp trên trong xã hội. Họ đã rời bỏ cuộc sống giàu sang ở đô thị để vào chiến khu tham gia cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ với tinh thần “vị quốc vong thân”. Hoạt động của các vị ấy ngày càng có hiệu quả trong việc chỉ đạo các Ủy ban Nhân dân tự quản, các Ủy ban Giải phóng chăm lo nhiều mặt đời sống nhân dân, nhất là trong việc bảo vệ nhân dân chống địch càn quét, cướp bóc, khủng bố, trong việc cung cấp lương thực và tuyển mộ tân binh cho các lực lượng vũ trang, trong việc giành lại ruộng đất cho nông dân đã được cách mạng tạm cấp trước kia nay đã bị địch cướp giật. Có rảnh rang đâu mà ngày ngày họ “ngồi giết thời gian bằng cách đánh cờ” hoặc “chơi bài tiến lên”, như Huy Đức đã viết nhăng viết cuội.
Đảng ta luôn đánh giá cao cống hiến lịch sử của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc. Chỉ trong vòng 5 năm (1965 – 1969), Bác Hồ đã gửi 17 thư và điện cho Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, Luật sư Trịnh Đình Thảo.
Huy Đức nên nhớ kỹ lời dạy của người xưa:
“Ăn lắm thì hết miếng ngon,
Nói lắm thì hết lời khôn hóa rồ”.
Phần 2
Để lấy uy với độc giả, Huy Đức nặn ra một câu thiệu như bài sấm giảng ghi trong lời phi lộ cuốn sách của mình: “Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ”. Nói thì nghe bùi tai thật! Thế nhưng, ngay sau đó Huy Đức đã quay lưng lại với lịch sử và lập tức nổ súng vào quá khứ.
Một trong những điều viết xằng nhất của Huy Đức, là đã xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của nhân dân Nam bộ trong sự bịa đặt về việc đổi tên thành phố Sài Gòn thành tên thành phố Hồ Chí Minh. Huy Đức viết: “Mấy câu thơ: “Ai đi Nam bộ Tiền Giang, Hậu Giang. Ai về thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” mà Tố Hữu viết tháng 8-1954 được coi là sáng kiến thành văn đầu tiên về việc đặt tên mới cho Sài Gòn”. Rồi anh ta ba hoa phán rằng: “Có lẽ vì Tố Hữu khi ấy không chỉ là một nhà thơ “anh cả” mà còn là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương nên ý kiến của ông gần như được mặc nhiên thừa nhận”.
Xin mời bạn đọc hãy nghe nhân dân Nam bộ giải thích sự kiện thiêng liêng này bằng chính sử. Trong tập bản thảo chính thức cuối cùng của cuốn sách Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh (1930 – 1975) được Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khóa VIII phê duyệt trước khi chuyển cho Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành (8-2010), đã viết: “Trong kỳ họp đầu của Quốc hội Khóa I, đoàn đại biểu Nam bộ đã đề nghị đổi tên thành phố Sài Gòn thành tên thành phố Hồ Chí Minh. Quốc hội không biểu quyết, nhưng tất cả Hội trường (Nhà hát lớn Hà Nội) đều vỗ tay hoan hô nhiệt liệt”.
Chúng ta rất dễ dàng cảm nhận được điều này. Là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, sống cực kỳ giản dị và khiêm tốn, Hồ Chủ tịch không thể nào đồng ý để cho Quốc hội biểu quyết việc lấy tên mình thay cho tên Sài Gòn. Thế nhưng, qua những tràng pháo tay như sấm dậy của 300 đại biểu Quốc hội trong cả nước giữa lòng Nhà hát lớn Hà Nội, đã làm cho đồng bào Nam bộ xiết bao hân hoan phấn khởi. Trong tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của họ về thực chất, Sài Gòn đã được đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh từ trong khói lửa chiến trường.
Năm tháng đi qua, giờ đây bồi hồi nhớ lại hơn 60 năm về trước, lòng tôi vô cùng xúc động. Thuở ấy, sống giữa chiến khu bưng biền Đồng Tháp Mười, khi mở thư của các bạn gửi cho tôi từ vùng “vành đai đỏ” của thành phố Sài Gòn, tôi vô cùng vui sướng mỗi lần thầm đọc 5 chữ “Thành phố Hồ Chí Minh” được trang trọng viết lên đầu mỗi lá thư trước khi ghi ngày, tháng, năm. Năm 1985, đồng chí Nguyễn Văn Linh – nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giải thích rõ trong quyển sách Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm. Đồng chí viết: “Mặc dù mãi đến năm 1976, Quốc hội cả nước mới thông qua việc lấy tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân thành phố đã quyết định giành về mình phần thưởng đặc biệt ấy. Chưa có văn bản chính thức nào quy định, người thành phố vẫn lấy tư cách “công dân Thành phố Hồ Chí Minh” để đối đầu với kẻ thù”.
Như vậy rõ ràng rằng, câu thơ “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” trong bài thơ Ta đi tới của Tố Hữu hoàn toàn không phải là “sáng kiến thành văn đầu tiên”, lại càng không phải vì Tố Hữu là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương nên câu thơ ấy “được mặc nhiên thừa nhận” tại kỳ họp đầu tiên của Khóa I Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam lấy tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên cho thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định như Huy Đức đã bịa chuyện để xuyên tạc lịch sử.
Không dừng lại ở đây, Huy Đức còn công kích cả bản Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp của nước ta. Huy Đức viết: “Trong bản Tuyên ngôn Độc lập tại Ba Đình vào ngày 2-9-1945, thay vì trích dẫn Mác hay Lênin, Hồ Chí Minh đã mở đầu bằng bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn của Cách mạng Pháp năm 1791”. Anh ta lại viết: “Hiến pháp năm 1946 – bản Hiến pháp được coi là của Chủ tịch Hồ Chí Minh – đã không hề có bóng dáng của nhà nước Xô Viết”.
Thật là kinh tởm! Một con người trong sách của mình đã bài xích quyết liệt “ý thức hệ” của Đảng Cộng sản Việt Nam, khi anh ta trắng trợn viết: “Giá như không phải ý thức hệ là nền tảng hình thành chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì người dân tránh được biết bao binh đao xung đột trong nội bộ dân tộc và gia đình”.
Trớ trêu thay, con người ấy lại dám hỗn xược “chê” Bác Hồ đã “quên Mác – Lênin, quên nhà nước Xô Viết”. Huy Đức hãy cung thỉnh “5 ông cố vấn có uy tín về sử học” của Mỹ mà mình đã đem khoe với bàn dân thiên hạ. Nên làm gà ngon và nấu chè xôi cúng tổ để hỏi họ xem vì sao lại có hiện tượng “quên” kỳ lạ ấy?

Phần 3

Vốn là “ngựa non háu đá”, khi đất nước thống nhất còn ở lứa tuổi thiếu nhi và tới năm 1987 mới vào làm việc trong cơ quan Huyện ủy Nhà Bè. Ấy thế, Huy Đức dám vỗ ngực khoe khoang mình là người đã từng “rượu sớm trà trưa” với những nhân vật đầy quyền uy và biết thượng vàng hạ cám “những gì diễn ra bên trong Ba Đình”. Quả là chuyện vu vơ phù phiếm.
Là một cán bộ công tác lâu năm tại Văn phòng Trung ương Đảng từ khi mới tập kết ra miền Bắc, đã từng làm việc bên cạnh hai đồng chí nguyên là Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng Khóa I – Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt và thường được gặp Bác Hồ trong cơ quan vào những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, tôi thấy có trách nhiệm cần phải nói rõ trước độc giả, nhất là đối với thế hệ trẻ, về những điều vu khống bịa đặt của Huy Đức nhằm vào cơ quan lãnh đạo đầu não của Đảng ta.
Nhắm mắt nói bừa, Huy Đức viết: “Thường các Ủy viên Bộ Chính trị rất ít khi gặp nhau, sống thu mình trong biệt thự, mỗi người có một biệt thự riêng và sinh hoạt tại nhà với thư ký, lái xe, bảo vệ, cần vụ”. Những năm tháng sống giữa khu vực trung tâm của đường Nguyễn Cảnh Chân, trước Câu lạc bộ Ba Đình – Hà Nội, tôi chẳng hề thấy “các Ủy viên Bộ Chính trị rất ít khi gặp nhau”, như Huy Đức đã đặt điều. Bởi, không tháng nào là không có lịch hội họp đều đặn hàng tuần của Bộ Chính trị và Ban Bí thư do Văn phòng Trung ương sắp xếp, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Ủy viên thường trực Ban Bí thư.
Đó là chưa kể vào những tối thứ bảy, các đồng chí lãnh đạo gặp nhau để xem phim cùng với anh chị em cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Hồi đó, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Duy Trinh… thường hay đi xem phim. Lắm khi, sau khi xem phim, đã diễn ra những cuộc mạn đàm tại chỗ về nội dung phim thật là thú vị – nhất là đối với các bộ phim Xô Viết đã từng gây ra tranh cãi lúc đương thời như: “??n s?u bay quaĐàn sếu bay qua”, “Người thứ 41”, “Bài ca người lính”, “Số phận một con người”…
Với dụng ý xấu, cách viết của Huy Đức làm cho người đọc ngộ nhận rằng các đồng chí lãnh đạo của Đảng ta là những người né tránh sinh hoạt Đảng, thoát ly khỏi công tác quản lý đảng viên của các tổ chức cơ sở Đảng và được miễn trừ việc tự phê bình, phê bình trong nội bộ.
Cần phải nói rõ rằng, trước và sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, để tiện cho việc sinh hoạt Đảng phù hợp với tính chất công tác đặc thù, nhà của các đồng chí lãnh đạo tập trung xung quanh khu vực đường Nguyễn Cảnh Chân (Lê Duẩn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh) được thành lập Chi bộ Đảng. Thuở ấy gọi là “Chi bộ nhà riêng” gồm có 7 tổ Đảng, mỗi nhà một tổ. Trong Chi ủy có 3 người: Trần Châu Giáo (Thư ký đồng chí Trường Chinh) – Bí thư Chi bộ, Trần Hữu Phước (Thư ký đồng chí Lê Đức Thọ) – Chi ủy viên, Nguyễn Hồng Cẩm (Thư ký đồng chí Hoàng Quốc Việt) – Chi ủy viên. Chi bộ và các tổ Đảng của chúng tôi tổ chức việc sinh hoạt định kỳ đều đặn. Các đồng chí lãnh đạo dự họp tổ Đảng rất nghiêm túc.
Huy Đức còn ăn nói leo trèo, viết những câu bá láp rằng: “Nhiều Cụ Bộ Chính trị giết thời gian bằng việc chơi tú-lơ-khơ với tổ phục vụ”. Còn “Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng vốn là một thợ cơ khí, nhiều hôm đã lật chiếc xe đạp của ông ra sửa để giết thời gian”. Nhiều “Cụ Bộ Chính trị” là ai? Và “các Cụ” tìm đâu ra thời gian nhàn tản để “giết”? Là một chi ủy viên trong “Chi bộ nhà riêng” có 7 đảng viên là Ủy viên Bộ Chính trị tham gia sinh hoạt Đảng, tôi xác nhận rằng hoàn toàn không có chuyện đó. Vả chăng, ai cũng thiếu thời gian để giải quyết những nhu cầu công tác quá tải, giữa lúc những lời hiệu triệu của Bác Hồ thôi thúc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân: Mỗi người phải nỗ lực “thi đua làm việc bằng hai”.
Miệt thị tài năng của các lãnh đạo Đảng ta, như ếch ngồi đáy giếng nhìn trời, Huy Đức viết: “Tác giả chính của các chính sách kinh tế áp dụng ở Việt Nam hơn hai thập niên là ông Lê Duẩn chỉ học hết lớp bốn”. “Chỉ học hết lớp bốn” ư? Thế mà tư duy lý luận về chính trị và quân sự trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam bộ của đồng chí Lê Duẩn đã tỏa sáng như ngọn đèn “hai trăm nến” (deux cents bougies), khiến cho các vị nhân sĩ trí thức đã từng đi du học và đỗ đạt cao ở Pháp về phải “phục sát đất”. “Chỉ học hết lớp bốn” ư? Thế mà đã trở thành một tổng công trình sư góp phần quan trọng trong quá trình thiết kế, phát triển, cụ thể hóa và hoàn chỉnh đường lối cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam nói riêng, đường lối cách mạng Việt Nam nói chung cũng như việc tổ chức thực hiện một cách năng động, sáng tạo đường lối đó.
Nếu căn cứ phiến diện vào trình độ văn hóa làm tiêu chuẩn để đánh giá như Huy Đức, đồng chí Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã tự kê khai trong lý lịch của mình chỉ “biết đọc biết viết”. Ấy thế mà với nhiệt tình cách mạng dồi dào, bản lĩnh năng động và sáng tạo mạnh mẽ cùng bề dày kinh nghiệm của công tác thực hiện phong phú, đồng chí Võ Văn Kiệt đã từng được các ông Lý Quang Diệu ở Xinhgapo và Mahathia ở Malaixia ca ngợi là một trong những nhà canh tân về kinh tế tại khu vực Đông Nam Á.

Phần 4
Trong sách “Bên thắng cuộc” Huy Đức đã thu thập thông tin tạp nham, viết lách theo kiểu phang ngang bửa củi, bới bèo ra bọ – từ 5 đợt giảm tô, cải cách ruộng đất ở các tỉnh miền núi trung du và đồng bằng Bắc bộ đến các vụ Nhân văn giai phẩm, Hoàng Minh Chính, Trần Xuân Bách, cải tạo sĩ quan và viên chức của chế độ Sài Gòn, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, các vụ vượt biên, nạn kiều, chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc, kể cả việc soi mói cuộc sống riêng tư trong gia đình các đồng chí lãnh đạo.
Nhiều người, trong số đó có những cán bộ được liệt kê trong danh sách cung cấp tư liệu cho Huy Đức, đã biểu thị thái độ phẫn nộ trước việc anh ta đã lợi dụng các cuộc tiếp xúc với họ để viết sách xuyên tạc lịch sử, bôi bác uy tín và thanh danh của Đảng và các đồng chí lãnh đạo.
Một số cán bộ lão thành hỏi tôi: “Huy Đức nói đã dành tới hơn 20 năm thu thập tư liệu, thế nhưng vì sao khi viết về anh Sáu Thọ (Lê Đức Thọ) một cách độc ác như vậy, anh ta không tới gặp anh – người đã từng làm thư ký cho anh Sáu trong thời gian kháng chiến chống Pháp cũng như sau khi tập kết ra miền Bắc”. Tôi cho biết có hai người quan trọng hơn tôi, Huy Đức còn không gặp họ – đó là đồng chí Lưu Văn Lợi 18 năm làm thư ký cho anh Sáu Thọ đến ngày anh tạ thế và Đại tá Bác sĩ quân y Vũ Văn Thuận sau khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua đời, đã 22 năm chuyên trách việc bảo vệ sức khỏe anh Sáu tới lúc anh vĩnh biệt cuộc đời. Bởi Huy Đức thừa hiểu rằng, đến gặp chúng tôi thì không khi nào viết được những điều đen đúa đã được nhào nặn sẵn trong đầu óc anh ta.
Việc Huy Đức cố tình bêu riếu đồng chí Lê Đức Thọ (và những nhà lãnh đạo khác) là điều tội lỗi. Đó không phải đơn thuần là chuyện công kích cá nhân mà là việc phá hoại uy tín và thanh danh của Đảng. Giữa lúc Đảng ta đang tiếp tục triển khai việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về công tác xây dựng Đảng, chúng ta không thể ngồi yên trước những hành động chống phá ngang ngược của Huy Đức. Trong phạm vi hạn hẹp của bài này, tôi xin minh chứng sự dối trá của Huy Đức trong một vài sự kiện viết về đồng chí Lê Đức Thọ.
Chúng ta đều biết, trải qua trên 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Đức Thọ đã hai lần vượt đường Trường Sơn để vào tuyến lửa. Những sự kiện quan trọng này đã từng được phản ánh trên sách báo, phim ảnh tư liệu, hồi ký kháng chiến và trong các công trình của những nhà nghiên cứu. Thế nhưng Huy Đức đã bỏ qua tất cả.
Trong chuyến đi đầu tiên của đồng chí Lê Đức Thọ vào căn cứ Trung ương Cục hồi đầu năm 1968, đồng chí Võ Văn Kiệt – nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã viết rõ trong bài kỷ niệm 95 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10-2006) như sau: “Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân năm 1968, Anh được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục”. Vứt bỏ những dòng hồi ký quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt, Huy Đức đã trắng trợn viết theo sự bịa đặt của mình: “Ngay sau khi Chiến dịch Mậu Thân (1968) bắt đầu, Lê Đức Thọ đã đi thẳng vào chiến trường miền Nam nắm vai trò Phó Bí thư Trung ương Cục”. Lố bịch hơn nữa, anh ta đã nhắm mắt viết liều: Lê Đức Thọ “đã ở lại chiến trường tới tháng 5-1968 khi tình hình chiến trường không còn thấy dấu hiệu chiến thắng nào” (nên mới ra Hà Nội).
Sự thật là, sau khi kết thúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đợt I Xuân Mậu Thân vào hạ tuần tháng 2-1968, Bác Hồ và Bộ Chính trị cử đồng chí Lê Đức Thọ vào chiến khu Bắc Tây Ninh để cùng với các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục chuẩn bị tiếp đợt II của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy dự kiến sẽ tiến hành trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6 – 1968. Song do sự phát triển mới của tình hình, nhằm đấu tranh giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, Bác Hồ đã viết thư cho Bộ Chính trị đề xuất việc rút đồng chí Lê Đức Thọ ra khỏi chiến trường miền Nam để sang Pháp làm Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Theo lệnh Hồ Chủ tịch, đồng chí Lê Đức Thọ về tới Thủ đô vào đầu tháng 5-1968 khi tiếng súng đợt II của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân chưa khai hỏa. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ đã viết trong hồi ký: “Nghe tin đồng chí Lê Đức Thọ từ trong Nam ra, Bác đến tận nơi ở để thăm. Đồng chí Vũ Kỳ nói là: “Anh Thọ sẽ đến thăm Bác”. Bác bảo: “Chú không biết là các chú ở trong ấy vất vả nhiều, đây là đại diện cho đồng chí và đồng bào miền Nam, ta đến thăm mới là quý, còn chờ đợi gì”.
Cũng với ý đồ xấu xa ấy, Huy Đức tiếp tục xuyên tạc một cách thô bỉ chuyến đi thứ hai của đồng chí Lê Đức Thọ vào chiến trường miền Nam trong Chiến dịch mùa Xuân đại thắng. Trong cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” do Viện Lịch sử Đảng xuất bản (2-1985) đã viết: “Ngày 31-3-1965, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn do một tập thể các Ủy viên Bộ Chính trị tại chiến trường (Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng) lãnh đạo và chỉ đạo”. Trong quyển “Lịch sử Nam bộ kháng chiến” (tập II), do Hội đồng chỉ đạo biên soạn lịch sử Nam bộ kháng chiến xuất bản (9-2012) trình bày rõ: “Bộ Chính trị cử Ủy viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ vào miền Nam phổ biến Nghị quyết Bộ Chính trị từ ngày 25-3-1975 về cuộc tiến công Xuân 1975, đồng thời công bố quyết định của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch Giải phóng Sài Gòn”. Bất chấp lịch sử và chà đạp lên sự thật, Huy Đức đã viết bừa rằng: “Thấy tình hình chắc ăn, ngay sau Hội nghị của Bộ Chính trị ngày 24-3 hạ quyết tâm hành động nhanh chóng, táo bạo giải phóng Sài Gòn trước mùa Xuân 1975, Lê Đức Thọ “xung phong” vào chiến trường”.
Một điều đã gây ra sự phẫn nộ trong độc giả là những chuyện bịa đặt nham hiểm của Huy Đức nhằm cố tình gây ra sự nhận thức lệch lạc về mối quan hệ thâm giao giữa hai người bạn chiến đấu chí cốt Lê Duẩn và Lê Đức Thọ, đã được xây dựng từ trong những năm tháng không thể nào quên của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhằm hiểu rõ thực chất vấn đề này, tôi xin trích một đoạn trong bài viết của đồng chí Võ Văn Kiệt để kỷ niệm 95 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (2006). Đồng chí Võ Văn Kiệt viết: “Một điều suốt bao năm qua đã lưu lại trong ký ức tôi ấn tượng không thể phai mờ, đó là sự gắn bó đậm đà trong tình nghĩa đồng chí giữa anh Sáu Thọ và anh Ba Lê Duẩn. Đây chính là biểu tượng đẹp nhất thể hiện sự thống nhất ý chí và hành động qua những thời điểm lịch sử khác nhau”.
Đọc “Bên thắng cuộc” của Huy Đức, chúng ta cảm thấy thấm thía hậu quả của việc mình đã “dưỡng hổ di họa”. Thật không ai ngờ, một chú bé chỉ mới 13 tuổi đầu từ nơi quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng vào thành phố Hồ Chí Minh sau ngày miền Nam giải phóng, được Đảng, Nhà nước và nhân dân nuôi dưỡng, đào tạo thành một nhà báo. Thế nhưng, vì không vượt qua được sự cám dỗ của hai chữ lợi danh nên đã bẻ cong ngòi bút, tự biến mình làm “con ngựa thành Troa”, thành “kẻ đốt đền”.

Hết